31 thg 5, 2009

Sự tích chú cuội cung trăng




SỰ TÍCH MẶT TRĂNG.


Ngày xửa ngày xưa, khi loài người mới ra đời và chung sống với nhau dưới một mái nhà, mọi công việc như kiếm thức ăn, lấy nước, bổ củi, quét nhà, tắm rửa, giặt dũ...VV..và..VV...đều được mọi người hỗ trợ nhau, giúp nhau hoàn thành công việc một cách vui vẻ. Cuộc sống cứ thế trôi đi rất vui vẻ và hạnh phúc.


Đùng một cái!! không biết nảy nòi đâu ra một người mặt mũi rất hung ác (mà sau này sẽ có tên riêng để gọi). Nó chẳng làm gì, suốt ngày chạy nhông nhông ngoài đường và la hét. Nó ngó chỗ này một tý, nó ngửi chỗ kia một tẹo rồi lên tiếng chê ỉ chê ôi công việc của mọi người. Rồi lấy thế làm khoái lắm. Nó nghĩ trong cái thế giới này chẳng ai khôn bằng nó. Bằng chứng là nó cứ chạy nhông nhông thế nhưng vẫn có ăn, mà lại được ăn nhiều! (Các bạn không biết chứ, mồm nó hôi lắm!).


Ở một chung cư nọ (ngày xưa họ đã biết xây nhưng ngôi nhà thật to , thật cao và rất đẹp, nhưng họ chỉ gọi là chung cư thôi), Có một cô gái rất xinh đẹp và hát rất hay. Cứ sáng sớm là mọi người đã nghe thấy tiếng hát của cô và thức giấc để bắt đầu một ngày mới. Khi cô cất tiếng hát, chim chóc ngừng bay, bầy hươu, nai ngừng ăn, nụ hoa đang e ấp bừng nở, mặt trời lên vàng rực, mọi mệt nhọc trong người đều tan biến, mọi người đều vui vẻ hát theo...tiếng hát cứ ngân vang, ngân vang mãi...


Con người tục tằn thô lỗ kia cũng ngẩn tò te khi nghe được tiếng hát của nàng. Hắn sồng sộc chạy đến, đòi cô chỉ hát riêng cho mình hắn nghe thôi, hát suốt ngày để phục vụ hắn. Khi hắn vui hắn cũng bắt cô hát, khi hắn buồn hắn cũng bắt cô hát, khi hắn khó ngủ hắn cũng bắt cô hát...nói tóm lại là cô lúc nào cũng hát, hát và hát...cho hắn.


Trước đây, tiếng hát bắt nguồn từ trái tim cô, nó toát lên niềm vui, niềm hạnh phúc... nên hết thẩy thế giới đều hân hoan. Nay, sự miễn cưỡng đã làm chết tiếng hát của cô, nỗi hưu hắt, nỗi sầu muộn, nỗi cô đơn luôn thường trực trong tiếng hát của cô.


Một ngày kia, cô trút hơi thở vĩnh biệt cỗi dương gian. Bao nhiều chim chóc, muông thú đều ngẩn ngơ, loài người đều thẫn thờ thiêng tiếc cô. Họ xây một ngôi nhà bằng thuỷ tinh rất đẹp cho cô yên nghỉ. Họ không tổ chức vui chơi, hội hè suốt một tháng. Họ đánh trống, họ khóc than trong suốt một tháng tiếp theo. Tên thô lỗ kia cũng lảng vảng đâu đây quanh chỗ cô nằm. Mắt hắn ráo hoảnh, láo liên, đầu hắn cúi thấp tránh những cái nhìn khinh bỉ của mọi người (Không biết hắn có ân hận!).


Một làng dệt thổ cẩm, dệt một chiếc khăn choàng nhiều mầu sắc đẹp nhất, choàng lên người cô. Bỗng một vầng hoà quang sáng loà quấn quanh người cô, nâng cô lên cao, rồi đưa cô đi xa tít nhưng vầng hoà quang không bao giờ tắt. Cô đã trở thành Mặt Trăng như thế. Đồng thời, có một tiếng sấm nổ vang, mọi người hết sức kinh hãi. Rồi bỗng nghe thấy tiếng gầm gừ, gâu gâu. mọi người quay lại thì hoá ra gã thô lỗ kia đã hoá thành con chó. Nó cứ chạy theo ánh hào quang của cô mà sủa. Không biết là nó tiếc, nó ân hận, hay nó thèm thuồng...


Sau này, mọi người cứ thấy Trăng lên là con chó này lại sủa vang







Sự tích chú cuội cung trăng

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.


Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:


   - Trời ơi! Cây này chính là cây có phép "cải tử hoàn sinh" đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!


Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.


Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.


Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.


Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.


Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.


Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa.


Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: "Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!". Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.


Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.


Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.


Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa....






SỰ TÍCH HẰNG NGA



Image
Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng chiếu xuống mặt đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân gần như không thể sống nổi. Chuyện này đã làm kinh động đến một anh hùng tên là Hậu Nghệ. Anh đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời.



Hậu Nghệ đã lập nên thần công cái thế, nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm thuật bất chính.



Không lâu sau, Hậu Nghệ lấy một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga. Ngoài dạy học săn bắn, cả ngày Hậu Nghệ luôn ở bên cạnh vợ, mọi người đều ngưỡng mộ đôi vợ chồng trai tài gái sắc này.



Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Nghe nói, uống thuốc này vào, sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa vợ hiền, đành tạm thời đưa thuốc bất tử cho Hằng Nga cất giữ. Hằng Nga cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ đã bị Bồng Mông nhìn thấy.



Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa đã giả vờ lâm bệnh, xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi không lâu, Bồng Mông tay cầm bảo kiếm, đột nhập vào hậu viện, ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử. Hằng Nga biết mình không phải là đối thủ của Bồng Mông, trong lúc nguy cấp đã vội vàng mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra và uống hết. Hằng Nga uống thuốc xong, thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.



Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Hậu Nghệ vừa lo vừa giận, đã rút kiếm tìm giết nghịch đồ, nhưng Bồng Mông đã trốn đi từ lâu. Hậu Nghệ nổi giận nhưng chỉ biết vỗ ngực giậm chân kêu khóc. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người cử động trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.



Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái nguyệt” vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.



Sự tích Ngô Cương đốn cây





<cái này tặng riêng anh Hoanghuy>



Mỗi khi ngẩng đầu nhìn trăng vào những đêm trăng tròn, chúng ta thường thấy có một cái bóng màu đen giống như một người nào đó đang đứng dưới gốc cây. Tương truyền vào đời Đường (Trung Quốc) có một truyền thuyết như thế này: trên mặt trăng có một cây quế cao đến 500 trượng. Vào thời đó, có một người họ Ngô tên Cương vốn là một tiều phu, anh ta muốn trở thành tiên nhưng lại không chịu học hành. Ngọc Hoàng rất tức giận, bảo anh ta rằng: "Nếu đốn ngã được cây quế ở mặt trăng thì hãy nghĩ đến chuyện đắc đạo thành tiên". Thế là Ngô Cương bắt tay vào việc đốn ngã cây quế thần kỳ. Nhưng cứ mỗi nhát chém vào thân cây là vết chém lại liền ngay. Ngày qua ngày, ước mơ đắc đạo thành tiên của Ngô Cương vẫn chưa thực hiện được. Cái bóng mà chúng ta thấy nơi mặt trăng chính là hình ảnh Ngô Cương vẫn đang miệt mài đốn cây với hy vọng một ngày nào đó sẽ thực hiện được nguyện vọng của mình.

6 nhận xét:

  1. truyen nay lau roi doc lai van thay hay.nho lai thoi tho au

    Trả lờiXóa
  2. Đang định tìm về truyền thuyết bên TQ thì gặp em, cảm ơn cô bé.
    À, anh hỏi, theo truyền thuyết thì cái cây ở trên cung Trăng là cây gì ?
    1. Cây Đa
    2. Cây Bồ Đề
    3. Cây Tre
    4. Cây Quế
    Cái chương trình khỉ gió gì, tương tự như Ai là triệu phú một mình bẩu là cây Quế, vụ này anh đang phưn vưn !

    Trả lờiXóa
  3. theo truyền thuyết TQ thì đúng là cây quế anh ạ.. còn ở VN thì nó là cây đa. Rất rõ ràng.. hìhì.. đợi em up bài cây quế

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn em, giờ thì mang máng ra rồi, công nhận là VN mình không có cây quế. Để cảm tạ bài trên, anh xin nhịn ăn thịt lợn trong vòng 1 ngày, hị hị !

    Trả lờiXóa
  5. Định đi ăn heo sữa quay, hức hức, đọc xong blog này, hức hức, đổi ý roài =))

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn chị Heo!Bà chị này hay thiệt nhỉ?Tây,tàu gì cũng biết ráo trọi

    Trả lờiXóa